El Nino và những tác động đến thời tiết
(TN&MT) - Các điều kiện cho sự xuất hiện của hiện tượng El Nino đã phát triển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, tạo tiền đề cho khả năng nhiệt độ toàn cầu tăng cao và các kiểu thời tiết, khí hậu cực đoan.
El Nino xuất hiện và sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm nay
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa đưa ra dự báo rằng hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục xảy ra trong nửa cuối năm 2023 với xác suất 90% và có cường độ vừa phải. Thông tin được đưa ra từ việc kết hợp các dự báo và hướng dẫn của chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Giáo sư Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO, El Nino xuất hiện sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ và gây ra nhiệt độ cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới và trong đại dương.
Ông cho biết: “Tuyên bố về El Nino của WMO là tín hiệu cho các chính phủ trên toàn thế giới huy động các biện pháp chuẩn bị để hạn chế tác động đối với sức khỏe, hệ sinh thái và nền kinh tế của chúng ta. Cảnh báo sớm và hành động sớm dự báo các sự kiện thời tiết cực đoan liên quan đến hiện tượng khí hậ này là rất quan trọng để đảm bảo sự sống và sinh kế con người”.
Hiện tượng El Nino xảy ra trung bình sau 2-7 năm và các đợt thường kéo dài từ 9 - 12 tháng. Đó là một mô hình khí hậu xảy ra tự nhiên liên quan đến sự nóng lên của nhiệt độ bề mặt đại dương ở khu vực xích đạo trung tâm và phía đông Thái Bình Dương. Tuy vậy, hiện tượng này đang diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người.
Dự báo về hiện tượng El Nino, một báo cáo trước đó vào tháng 5 vừa qua của WMO cho hay 98% khả năng rằng ít nhất 1 trong 5 năm tới và cả giai đoạn 5 năm nói chung sẽ là thời gian nóng nhất từng được ghi nhận, vượt trên kỷ lục năm 2016 khi có hiện tượng El Nino cực mạnh.
Theo báo cáo này, Văn phòng Khí tượng của Vương quốc Anh và các đối tác trên toàn thế giới dự báo có 66% khả năng nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất từ năm 2023 đến 2027 sẽ tạm thời cao hơn 1,5°C so với nhiệt độ trước đó. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh và cũng là một cảnh báo sớm cho thấy chúng ta vẫn chưa đi đúng hướng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu nhằm giảm đáng kể tác động của biến đổi khí hậu.
Tác động rõ rệt
Theo báo cáo về Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của WMO, năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận do "sự kiện kép" bởi hiện tượng El Nino rất mạnh và sự nóng lên do con người gây ra từ khí nhà kính. Ảnh hưởng đối với nhiệt độ toàn cầu thường diễn ra vào năm sau khi hiện tượng El Nino phát triển và như vậy, ảnh hưởng của El Nino năm nay có thể thấy rõ vào năm 2024.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn khoảng 1,15°C so với mức trung bình của những năm 1850-1900 do hiện tượng La Nina.
El Nino thường liên quan đến lượng mưa tăng lên ở các vùng phía Nam của khu vực Nam Mỹ, miền Nam nước Mỹ, vùng Sừng châu Phi và Trung Á. El Nino cũng từng gây ra hạn hán nghiêm trọng ở Australia, Indonesia, một số khu vực ở Nam Á, Trung Mỹ và phía Bắc của Nam Mỹ.
Kể từ tháng 2, dị thường nhiệt độ mặt nước biển trung bình hàng tháng ở trung tâm đông xích đạo Thái Bình Dương đã ấm lên đáng kể, tăng từ gần nửa độ C dưới mức trung bình (- 0,44 độ C vào tháng 2) lên khoảng nửa độ C trên mức trung bình (0,47 độ C vào tháng 5). Trong tuần có tâm điểm là ngày 14.6, dị thường nhiệt độ bề mặt biển ấm tiếp tục gia tăng, đạt giá trị 0,9 độ C.
Nhiều bằng chứng từ các quan sát cả đại dương và khí quyển đều mạnh mẽ chỉ ra sự hiện diện của các điều kiện El Nino ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều không chắc chắn do chỉ có sự kết hợp giữa đại dương và khí quyển yếu, điều này rất quan trọng đối với sự khuếch đại và duy trì El Nino. Dự đoán rằng sẽ mất khoảng 1 tháng nữa để chứng kiến sự kết hợp hoàn toàn được thiết lập ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương.
El Niño và La Niña là những tác nhân chính - nhưng không phải là duy nhất - của hệ thống khí hậu Trái đất. Ngoài Bản cập nhật ENSO đã được thiết lập từ lâu, WMO hiện cũng phát hành Bản cập nhật khí hậu theo mùa toàn cầu (GSCU) thường xuyên, trong đó kết hợp ảnh hưởng của các tác nhân khí hậu chính khác như Dao động Bắc Đại Tây Dương, Dao động Bắc Cực và Lưỡng cực Ấn Độ Dương.
Nguồn: Báo Tài nguyên và môi trường số tháng 7/2023