Vì sao buổi sớm, trong không khí thành phố lại bị ô nhiễm rất nặng?
Nhức nhối vấn đề ô nhiễm ở thành phố
Xưa nay chúng ta thường nghe nói "không khí buổi sớm trong lành nhất" và mọi người dân thành phố thường tập luyện, chạy nhảy, hoạt động thể dục thể thao vào sáng sớm hàng ngày. Nhưng gần đây, các nhà khoa học lại cảnh tỉnh rằng ở những thành phố có ngành công nghiệp và giao thông vận tải phát triển, không khí buổi sớm không những trong lành mà còn bị ô nhiễm rất nặng.
Vì sao các nhà khoa học lại đưa ra kết luận trái ngược với nhận định lâu nay của nhiều người ?
Mức độ trong lành của không khí được quyết định bởi thành phần các chất trong không khí, nhất là những chất độc hại đối với cơ thể con người. Ban ngày, ánh nắng mặt trời làm nhiệt độ không khí tăng cao, khói thải của các nhà máy, xe cộ và bụi đất cát do các loại xe cuốn lên bay lửng lơ trong không khí. Đến khi mặt trời lặn, nhiệt độ không khí giảm dần.
Qua một đêm, mặt đất mát dần, nhiệt lượng toả vào không trung cách mặt đất mấy trăm mét hình thành tầng không khí trên nóng dưới lạnh, giống như chiếc nồi áp xuống mặt đất. Lúc này khói thải của các nhà máy không thể bốc lên cao để toả vào tầng mây mà chỉ luẩn quẩn ở gần mặt đất với nồng độ mỗi lúc một đậm đặc. Nếu lúc này trên mặt đất lặng gió, độ ô nhiễm không khí sẽ càng tăng.
Vì thế, các nhà khoa học khuyên dân cư các thành phố công nghiệp nên chuyển thời gian tập thể dục và rèn luyện cơ thể từ sáng sớm sang khoảng 10 giờ sáng và 3 giờ chiều là thích hợp nhất.
Vì sao không khí trong nhà cũng bị ô nhiễm?
Hiện nay, nhiều gia đình ở nước ta vẫn dùng than làm chất đốt. Bếp than thải ra một lượng khí cacbonic khá lớn, nhưng dù dùng bếp ga hoặc bếp dầu trong nhà cũng không tránh được việc thải ra khí cacbonic. Ngoài ra, trong quá trình xào nấu thức ăn sẽ bốc ra các hạt chất dầu mỡ làm ô nhiễm không khí trong bếp.
Mặt khác, điều kiện sống hiện nay ở các thành phố còn chật chội, cơ thể con người luôn toả ra khí cacbonic và mồ hôi, chưa kể những người hút thuốc lá thải ra một lượng lớn khói thuốc làm ô nhiễm không khí trong nhà ở. Những nơi ồn ào hoặc giá rét, người ta lại thường đóng kín cửa sổ (để chống ồn và chống rét) khiến các loại khí độc hại không thoát ra ngoài được.
Những đồ dùng mới sử dụng trong các gia đình như thảm nilon, giấy dán tường, đồ nhựa, v.v...cũng đem theo vào phòng ở các chất ô nhiễm như toluen, metylbenzen, formalđehyt,... Những hoá chất này đều rất có hại đối với sức khỏe con người.
Nếu trong nhà có nuôi chó, mèo và trồng nhiều hoa, cây cảnh sẽ làm tăng thêm lượng khí cacbonic và mùi hôi trong phòng ở. Bụi và các tạp chất khí kể trên luôn bay lơ lửng trong không khí kèm theo các loại vi trùng, dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người.
Muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà ở, cần mở nhiều cửa sổ thông khí, thường xuyên quét dọn lau chùi nhà cửa, làm vệ sinh cá nhân đều đặn và không nên nuôi động vật trong phòng ở.
Không khí trong thành phố và làng quê khác nhau như thế nào?
Vào mùa hè, khi đi từ thành phố về làng quê, ta cảm thấy không khí ở hai vùng khác nhau rất rõ rệt. Những người thường sống ở thôn quê cũng rất tự hào về không khí trong lành nơi mình cư trú. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra những khác nhau cơ bản trong không khí hai vùng là:
Thứ nhất: Không khí thành phố thường có nhiều vi khuẩn, vi trùng gây bệnh hơn ở nông thôn, bởi vì trong thành phố mật độ dân cao, trao đổi hàng hoá nhiều, sản xuất và xây dựng phát triển, tạo ra lượng rác lớn, phân tán, khó thu gom kịp thời, gây ô nhiễm môi trường. Người từ các vùng khác nhau qua lại nhiều, mang mầm bệnh từ nhiều nơi đến. Không khí lưu thông kém vì vướng nhà cao tầng, cũng tạo cơ hội cho vi trùng gây bệnh tập trung và tồn tại lâu hơn.
Ở nông thôn, mật độ dân, lưu lượng người và hàng hoá qua lại đều thấp, nên chất thải ít, chủ yếu là chất hữu cơ, một loại rác thải có thể dùng làm phân bón ruộng. Nông thôn người thưa, nhiều cây xanh tạo cảm giác tươi mát, dễ chịu, lại có khả năng tiết ra được những chất kháng khuẩn thực vật, nên lượng vi trùng gây bệnh trong không khí cũng ít hơn.
Thứ hai: Nhiệt độ không khí thành phố cao hơn ở nông thôn, còn độ ẩm lại thấp hơn. Vào mùa hè, nhiệt độ không khí thành phố có thể cao hơn các vùng nông thôn từ 2 đến 60C, nhiệt độ tại những bề mặt phủ gạch, bê tông cao hơn nhiệt độ không khí từ 5 đến 80C. Đó là do ở thành phố không khí lưu thông kém, làm giảm sự phân tán nhiệt.
Nhiều xe máy, ô tô đi lại, nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất dùng lò đốt, thải nhiều nhiệt vào không khí. Gạch, bê tông, đường nhựa hấp thụ bức xạ mặt trời rất tốt, nóng lên và toả nhiệt vào không khí. Mặt nước ao hồ lại ít, đất bị phủ gạch, nhựa, bê tông không cho nước trong đất bốc hơi, vừa không tiêu hao được nhiệt, vừa làm không khí khô hơn.
Ở nông thôn, ngược lại, không khí không bị che chắn nên lưu thông tốt hơn. Các nguồn thải nhiệt nhân tạo như ở thành phố ít hơn nhiều. Cây cối lại nhiều, tạo một lớp phủ tốt chắn không cho ánh sáng mặt trời trực tiếp đốt nóng đất và còn tiêu thụ một phần năng lượng mặt trời cho quang hợp. Mặt đất và mặt nước đều bốc hơi tốt, tiêu thụ bớt năng lượng từ ánh nắng mặt trời.
Thứ ba: Không khí thành phố nhiều bụi bẩn hơn không khí nông thôn do trong thành phố tập trung nhiều nhà máy xí nghiệp, thải nhiều khói, bụi, khí độc. Việc xây dựng, đào đất, chuyên chở vật liệu diễn ra thường xuyên, rác thải không dọn kịp, là nguồn tạo ra bụi bẩn đáng kể. Trên đường phố xe máy, ô tô thường xuyên đi lại, nghiền vụn đất cát và cuốn bụi bay lên. Không khí khô nóng, làm cho bụi lơ lửng nhiều và lâu hơn. Bề mặt thành phố không bằng phẳng, nhiều nhà cao thấp khác nhau, cũng dễ tạo các vùng gió xoáy, cuốn bụi bay lên.
Thứ tư: Trong thành phố, động cơ ô tô, xe máy, các hoạt động sản xuất, buôn bán, giải trí tạo ra nhiều tiếng ồn. Thành phố lại không có nhiều các dải cây xanh cản tiếng ồn, mà chỉ có nhiều nhà xây, bê tông, làm cho sóng âm dội đi, dội lại, hỗn độn và khó chịu hơn.
Thứ năm: Không khí thành phố, nhất là những vùng công nghiệp và giao thông phát triển, thường có chứa rất nhiều khí độc hại như ôxit của lưu huỳnh, nitơ, cacbon, chì... Các chất này có tác động xấu tới sức khoẻ con người và môi trường gây nên các bệnh phát sinh từ ô nhiễm không khí.
Tóm lại, không khí thành phố thường bị ô nhiễm nặng nề hơn nhiều so với không khí nông thôn, do đó không có lợi cho tâm lý và sức khoẻ con người. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đầu tư nhiều công sức và tiền của cho việc nghiên cứu tìm ra những giải pháp khắc phục hiện trạng ô nhiễm môi trường nặng nề tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên vấn đề vẫn chưa thể giải quyết ngay được. Những người đang sống trong các thành phố, đô thị đông dân cần hiểu rõ những nhược điểm của môi trường nơi đây, để tự có biện pháp bảo vệ và tham gia vào sự nghiệp bảo vệ môi trường chung của cả cộng đồng.
Nguồn: Tạp chí kinh tế môi trường