Phát động Chiến dịch "Tôi yêu thành phố" hướng tới giảm phát thải khí nhà kính
(TN&MT) - Ngày 19/9, tại TP. Cần Thơ, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam, Văn phòng Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo phát động Chiến dịch truyền thông "Tôi yêu thành phố" (We Love City) hướng tới mục tiêu thành phố xanh và giảm phát thải khí nhà kính.
“Tôi yêu thành phố” là một Chiến dịch nằm trong khuôn khổ Chương trình One Planet City Challenge - Thành phố Xanh Quốc tế (OPCC), một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức WWF. Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự thay đổi hành động toàn cầu, hướng đến lối sống thân thiện với môi trường vì tương lai một hành tinh xanh. Đồng thời, khuyến khích việc phát triển và mở rộng những giải pháp tối ưu nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Năm 2021 – 2022, có 280 thành phố từ 50 quốc gia đã gửi hồ sơ tham gia Chương trình OPCC. TP. Cần Thơ đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết và đại diện cho Việt Nam tham gia vào Chiến dịch Chiến dịch Tôi yêu thành phố.
Chiến dịch diễn ra từ ngày 19/9 – 31/10/2022), nhằm kêu gọi kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ đối với kế hoạch phát triển đô thị bền vững của thành phố. Người dân sẽ bỏ phiếu cho các thành phố đã lọt vào vòng chung kết của Chương trình OPCC mà họ yêu thích, đồng thời, đưa ra đề xuất nhằm cải thiện và bảo vệ môi trường thành phố.
Chiến dịch truyền thông tại TP. Cần Thơ sẽ trải dài 5 tuần với các chủ đề riêng biệt. Tuần 1 - Sự chuyển dịch đô thị sẽ giới thiệu 10 lĩnh vực trọng điểm để Cần Thơ trở thành đô thị đông minh và sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng. Tuần 2 - Hệ thống thực phẩm sẽ giới thiệu chế độ ăn tốt cho con người và mô hình sản xuất nông sản chất lượng cao. Tuần 3 - Cơ sở hạ tầng sẽ giới thiệu các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH tại Cần Thơ. Tuần 4 - Giải pháp dựa trên tự nhiên sẽ giới thiệu Các giải pháp hạ tầng xanh thích ứng ngập lụt và hình mẫu "người anh hùng" luôn hành động vì khí hậu. Tuần 5 - Rác thải và tái chế sẽ giới thiệu về những nỗ lực của TP. Cần Thơ trong giảm thiểu và loại bỏ rác thải.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, TP. Cần Thơ là địa phương quan tâm và tích cực trong các công tác ứng phó với BĐKH, đã ban hành và triển khai những chính sách quan trọng về giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm hướng tới việc đạt được mục tiêu chung trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược Tăng trưởng Xanh, Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Chiến dịch “Tôi yêu thành phố” là cơ hội để Cần Thơ lan tỏa các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và huy động sự tham gia của người dân. Để Chiến dịch có thể lan tỏa rộng khắp cần chú trọng tuyên truyền đến đối tượng học sinh, sinh viên. Họ là những người sẽ tiếp tục phổ biến thông tin đến gia đình, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất, tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước của địa phương, các Viện Nghiên cứu, trường đại học cũng rất quan trọng. Qua đó, góp phần truyền thông đến cộng đồng các cam kết ứng phó với BĐKH của Việt Nam tại COP26, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ các hoạt động ứng phó BĐKH tại Cần Thơ và trên cả nước.
Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Anh, Quản lý Chương trình OPCC - WWF Việt Nam nhấn mạnh, đây là cơ hội để TP. Cần Thơ ghi dấu ấn lên bản đồ Thành phố Xanh quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Qua đó, tìm kiếm tài trợ cho các dự án liên quan đến môi trường, năng lượng xanh, BĐKH... và phát triển du lịch. Thành phố cũng có thể chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố khác, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Theo bà Phùng Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường - Viện KH KTTV&BĐKH, Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26, đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch; Tuyên bố của lãnh đạo các nước về Rừng và Sử dụng đất về chấm dứt nạn phá rừng đến năm 2030 và cam kết không khai thác gỗ từ rừng và bảo vệ rừng từ năm 2030; Tăng tham vọng về thích ứng và tính chống chịu với BĐKH; Giảm phát thải khí Metan ít nhất là 30% so với mức năm 2020; Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng. Những giải pháp ứng phó BĐKH cụ thể của Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào 5 lĩnh vực: năng lượng, nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), chất thải, các quá trình công nghiệp (IP). Đây là cơ sở để các tỉnh, thành phố đưa ra các kế hoạch giảm phát thải cụ thể hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo WWF, khu vực đô thị cần đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu bởi 70% phát thải các-bon toàn cầu từ đô thị. Tại Việt Nam, hiện, chưa có đô thị nào đưa ra được kế hoạch khí hậu để đạt cam kết Net-zero năm 2050. Thông qua Chiến dịch Tôi yêu thành phố, WWF mong muốn truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức của công chúng mục tiêu phát triển bền vững tại các thành phố, cũng như tôn vinh và củng cố sự chung tay, đóng góp của các cộng đồng đềxuất các góp ý giúp cải thiện hướng tới phát triển đô thị bền vững.
Nguồn: Tạp chí Môi trường số tháng 9/2022
(RM) Nhung Lee