Miền Trung “Chung sống an toàn” với thiên tai ngày càng dị thường: Ứng phó chuyên nghiệp và thích ứng an toàn hơn

Công ty TNHH môi trường Enco

Trụ sở: 383/3/116 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh

icon-hotline

Hotline Hỗ Trợ 24/7:

028 6272 7139

0906 843 768

Miền Trung “Chung sống an toàn” với thiên tai ngày càng dị thường: Ứng phó chuyên nghiệp và thích ứng an toàn hơn

Ngày đăng: 11/11/2022

    (TN&MT) - Từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực miền Trung liên tục gánh chịu những đợt mưa lũ lớn trái quy luật, mưa cực đoan khiến người dân không kịp trở tay, gây thiệt hại nặng nề… Yêu cầu đặt ra là cần phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp, hiệu quả hơn để “chung sống”.

    Thiên tai cực đoan, bất thường

    Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, điển hình như đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô (từ ngày 30/3 - 2/4) kèm theo dông lốc, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; gần đây nhất là đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền tại các tỉnh miền Trung (từ 2/10 - 15/10) khiến hầu hết các nơi ngập trong biển nước. Từ các vùng núi Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế đến đô thị Đà Nẵng… Thiệt hại trong đợt mưa lớn bất thường này hết sức nặng nề.

    Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, từ ngày 30/4 - 2/10, địa phương có 5 đợt mưa lớn diện rộng, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn. Thiên tai đã làm 11 người tử vong. Mưa lũ cũng khiến 100 nhà bị sập, hư hỏng, di dời 322 căn… Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ở Nghệ An là hơn 1.226 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng đợt mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 4 (bão Noru) là hơn 908 tỷ đồng.

    thientai3.jpg

    Đặc biệt, đợt mưa ngập lịch sử trong 2 ngày 14 và 15/10 tại TP. Đà Nẵng đã để lại hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản, 4 người đã tử vong. Đây là điều bất ngờ không chỉ với người dân Đà Nẵng. Bởi không ai có thể hình dung, một đô thị loại 1 lại có thể tan hoang đến vậy sau trận mưa lớn.

    Tổng lượng mưa trong khoảng 16 tiếng lên tới hơn 700mm, cao hơn cả tổng lượng mưa trung bình 1 tháng. Vài tiếng sau mưa, những con đường của TP. Đà Nẵng biến thành sông. Nước dâng cao và quá nhanh, hầu hết các gia đình không kịp sơ tán đồ đạc. 1 - 2 ngày sau mưa, nhiều khu dân cư vẫn ngập nước, rác lẫn với đồ đạc trôi khắp nơi. Hàng ngàn ô tô, xe máy hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, đứt gãy nghiêm trọng, đất đá ngổn ngang đến nay vẫn chưa khắc phục xong.

    Chuyên nghiệp hơn trong phòng chống thiên tai

    Mưa lũ, thiên tai dị thường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân miền Trung. Đợt mưa lũ vừa qua là bài học kinh nghiệm thấm thía trong công tác dự báo của cơ quan chức năng, cũng như kinh nghiệm phòng chống mưa lũ cho mỗi người dân.

    Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, công tác dự báo về lượng mưa chưa theo kịp diễn biến thực tế mưa, lũ, cụ thể thời điểm mưa lớn và định lượng mưa trên địa bàn. Công tác ứng phó có phần chưa chủ động do không xác định được đầy đủ tình trạng mưa, lũ. Tâm lý chung của người dân những năm qua quan tâm đến ứng phó với bão và ngập lũ vùng nông thôn hơn so với ngập lụt đô thị diện rộng. Do đó, sau đợt mưa lũ lịch sử này, Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành phân tích, đánh giá những bài học kinh nghiệm, rà soát lại phương án chống ngập đô thị và trung tâm cho phù hợp hơn với thực tiễn hạ tầng, đô thị của thành phố.

    thientai2.jpg

    Khẳng định thiên tai bất thường, dị thường chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng và khắc nghiệt, ông Nguyễn Trường Thành - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An nhấn mạnh: Không còn cách nào khác ngoài việc chung sống với nó. Thực tế, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đã được chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Tuy nhiên, trước những diễn biến thiên tai phức tạp và bất thường ngày càng gia tăng, đòi hỏi chúng ta phải chủ động ứng phó với tầm nhìn xa hơn, chuyên nghiệp hơn và tập trung nhiều nguồn lực hơn.

    Hiện, nước ta đã xây dựng được bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một bước tiến giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng như giám sát các tỉnh, thành đem lại hiệu quả tốt hơn. Thông qua chỉ số phòng, chống thiên tai các địa phương, có thể xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giúp cho các tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai hằng năm.

    Ông Nguyễn Trường Thành cũng cho rằng, dự báo sớm, chính xác, cụ thể là chìa khóa giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, do đó, cơ quan chức năng cần đưa ra dự báo sớm hơn để người dân chủ động trong công tác ứng phó.

    Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường số tháng 11/2022.

    Zalo
    Hotline