Biến đổi khí hậu khiến sự di cư của người dân gặp khó khăn hơn
Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến giảm 10% mức độ di cư quốc tế của các nhóm dân cư có mức thu nhập thấp nhất ở châu Phi cận Sahara, Bắc Phi và Liên Xô cũ vào năm 2100. Thậm chí, theo một nghiên cứu mô hình được công bố trên Nature Climate Change (Mỹ), con số này có thể tăng lên tới 35% trong các kịch bản bi quan hơn.
Việc di cư dự kiến sẽ diễn ra thường xuyên hơn như một chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có khả năng dẫn đến cạn kiệt tài nguyên ở một số khu vực thiếu thốn nhất, khiến nhiều người không thể di cư.
Nghiên cứu gần đây đã xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với di cư trong tương lai bằng cách sử dụng nhiều mô hình khác nhau, nhưng những hạn chế của tính di cư quốc tế đối với các nhóm dân cư có còn nhiều khó khăn vẫn chưa được làm rõ.
Để xác định tác động của biến đổi khí hậu đối với việc không thể di cư do hạn chế tài nguyên, bà Hélène Benveniste và các đồng nghiệp đã phát triển một mô hình di cư và chuyển tiền quốc tế và đưa nó vào mô hình đánh giá tổng hợp (mô hình kinh tế khí hậu toàn cầu). Sau đó, họ tiến hành các đợt dự báo theo 5 kịch bản khác nhau về phát triển trong tương lai và biến đổi khí hậu trong thế kỷ XXI để minh họa một loạt các tác động có thể xảy ra từ việc di cư. Tiếp theo, họ kết hợp các tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thiếu hụt tài nguyên và việc không di cư sau đó.
Các tác giả nhận thấy rằng biến đổi khí hậu dẫn đến giảm khả năng di cư quốc tế của các nhóm dân cư nghèo nhất ở ít nhất một vài khu vực trên thế giới. Theo một kịch bản khi lượng khí thải đạt đỉnh vào năm 2040 và các xu hướng kinh tế không thay đổi rõ rệt, tính di cư quốc tế có thể giảm hơn 10% đối với những cá nhân có mức thu nhập thấp nhất. Điều này cho thấy rằng sự không di cư do hạn chế về tài nguyên có thể đóng một vai trò đáng kể trong mối quan hệ giữa khí hậu và di cư.
Theo các tác giả, những phát hiện này khẳng định tác động tiêu cực tiềm ẩn của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dân số nghèo nhất cũng như sự hạn chế di cư như một biện pháp thích ứng.
Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
Nhung Lee.