Hội đồng EPR quốc gia đã thông qua Nghị quyết của Phiên họp lần thứ nhất

Công ty TNHH môi trường Enco

Trụ sở: 32/20 Phạm Huy Thông, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP. HCM

icon-hotline

Hotline Hỗ Trợ 24/7:

028 6272 7139

0906 843 768

Hội đồng EPR quốc gia đã thông qua Nghị quyết của Phiên họp lần thứ nhất

Ngày đăng: 18/07/2023

    Ngày 15/3/2023 tại Hà Nội, Hội đồng EPR quốc gia đã tổ chức phiên họp khai mạc lần thứ nhất. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng EPR chủ trì phiên họp. Phiên họp thứ nhất đã ra mắt Hội đồng và xem xét thông qua các văn bản quan trọng nhằm thiết lập nền tảng pháp lý triển khai thực hiện các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) theo Luật bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020.

    Tính hợp lý và pháp lý của EPR

    Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ bước vào con đường phát triển bền vững và căn bản hơn. Việc lượng hóa và quy định chặt chẽ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (viết tắt EPR) là một trong những điểm mới của Luật BVMT năm 2020. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm với sản phẩm được bán trên thị trường, mà còn phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý, tái chế theo tỷ lệ nhất định được pháp luật quy định.

    Việc thực hiện EPR không chỉ đơn thuần là nhà sản xuất đảm bảo nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Đây còn là con đường phát triển bền vững, mang lại những lợi ích căn bản cho doanh nghiệp. 

    Hội đồng EPR quốc gia đã thông qua Nghị quyết của Phiên họp lần thứ nhất

    Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng cho biết: Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực đầu năm 2022 với nhiều cải cách, quy định mới mang tính đột phát, trong đó có quy định EPR. Đây là quy định kế thừa quy định về trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ của Luật BVMT năm 2005 và Luật BVMT năm 2014 nhưng với cách tiếp cận mới, mang tính bắt buộc với các cơ chế thực thi rõ ràng và cụ thể.

    Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang là quốc gia đi đầu khu vực ASEAN trong việc ban hành và áp dụng cơ chế EPR. Đây là công cụ chính sách cụ thể và quan trọng giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giải quyết vấn đề về chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải nhựa nói riêng, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

     Cùng với quá trình triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT đã tổ chức triển khai việc thực hiện các quy định EPR, từ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến việc chuẩn bị và thành lập các thiết chế, bộ máy triển khai thực hiện cũng như thực hiện các hoạt động phổ biến, truyền thông các quy định EPR. Hiện nay, cơ bản các công việc đã được triển khai thực hiện và có kết quả. Sau phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng EPR quốc gia, Bộ TN&MT sẽ thành lập, ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và đưa Văn phòng EPR đi vào hoạt động.

    Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng EPR quốc gia đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về văn bản: Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng EPR quốc gia; Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia; Quyết định công bố tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xử lý chất thải năm 2024 từ nguồn đóng góp tài chính của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Quy chế chi tiêu nội bộ của Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia.

    Hội đồng EPR quốc gia đã thông qua Nghị quyết của Phiên họp lần thứ nhất với một số vấn đề, nội dung quan trọng, làm cơ sở cho các đơn vị có liên quan và Văn phòng EPR triển khai thực hiện trong thời gian tới theo pháp lý và hiệu quả.

    Nhiệm vụ của Hội đồng EPR

    Theo Quyết định số 252/QĐ-BTNMT, Hội đồng EPR quốc gia có nhiệm vụ chính là tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tư vấn, giúp Bộ trưởng quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

    Hội đồng EPR quốc gia đã thông qua Nghị quyết của Phiên họp lần thứ nhất

    Bộ trưởng Bộ TN&MT là Chủ tịch Hội đồng EPR quốc gia. Thứ trưởng Bộ TN&MT là Phó Chủ tịch thường trực và Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là Phó Chủ tịch. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT là Ủy viên thường trực. Các ủy viên của Hội đồng EPR quốc gia gồm đại diện của các Bộ: TN&MT, Tài chính, NN&PTNT, Y tế, Công Thương; đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam và Hiệp hội Xử lý chất thải Việt Nam.

    Hội đồng EPR quốc gia sẽ tổ chức xây dựng tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế, hoạt động xử lý chất thải và đề xuất Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt để công bố công khai; thẩm định, biểu quyết thông qua các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì, hoạt động xử lý chất thải của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật và trình Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt;  thông qua Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu và hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu và trình Bộ trưởng BT&MT xem xét, ban hành.

    Hội đồng EPR quốc gia còn có nhiệm vụ tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch và báo cáo Bộ trưởng Bộ TN&MT kết quả hoạt động hàng năm; cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng, dự thảo Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng giúp việc Hội đồng trước khi Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành. Ngoài ra, Hội đồng EPR quốc gia thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ TN&MT giao.

    Nguồn: Tạp chí môi trường số tháng 7/2023

    Zalo
    Hotline