Bão cát và bụi gia tăng, Liên Hợp Quốc ban bố cảnh báo toàn cầu

Công ty TNHH môi trường Enco

Trụ sở: 32/20 Phạm Huy Thông, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP. HCM

icon-hotline

Hotline Hỗ Trợ 24/7:

028 6272 7139

0906 843 768

Bão cát và bụi gia tăng, Liên Hợp Quốc ban bố cảnh báo toàn cầu

Ngày đăng: 17/07/2023

    (TN&MT) - Trong bối cảnh những cơn bão cát và bụi nghiêm trọng (SDS) đang ngày càng trở nên phổ biến, các chuyên gia khí hậu của Liên Hợp Quốc cho rằng nguyên nhân của sự gia tăng này là do biến đổi khí hậu do con người gây ra và các hoạt động canh tác không bền vững. Để chống lại điều này, Liên Hợp Quốc đã chỉ định ngày 12/7/2023 là Ngày Quốc tế đầu tiên chống bão cát và bụi.

    image1170x530cropped-19-.jpg
    Bão bụi ở Mildura, Victoria, Australia

    Mối đe dọa từ bão cát và bụi

    SDS được định nghĩa là những cơn bão gây ra bởi gió mạnh trên các khu vực đất khô cằn, cuốn theo một lượng lớn cát và bụi trong khí quyển.

    Theo Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc (UNCCD), khoảng 2 tấn cát và bụi xâm nhập vào khí quyển mỗi năm. Gió có thể thổi những hạt cát và bụi di chuyển hàng trăm và đôi khi hàng nghìn dặm.

    Tình trạng sa mạc hóa ngày càng gia tăng bởi hoạt động do con người gây ra đã dẫn đến sự gia tăng số lượng các cơn bão, thúc đẩy hành động quốc tế để giảm thiểu tác hại của chúng.

    SDS đe dọa môi trường, nông nghiệp, sức khỏe con người và cơ sở hạ tầng giao thông, tất cả những điều này có thể cản trở nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đã được quốc tế thống nhất, đặc biệt là ở Châu Phi và Trung Đông, nơi tình trạng sa mạc hóa diễn ra phổ biến nhất.

    Số lượng lớn các hạt bụi trong khí quyển cũng có thể gây rối loạn tim, kích ứng mắt và da cũng như các bệnh về đường hô hấp như viêm màng não dễ lây lan hơn. Các tác động của SDS đối với nông nghiệp càng đe dọa đến an ninh lương thực ở những quần thể đang phải đương đầu với tình trạng sa mạc hóa và hạn hán nghiêm trọng.

    Các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đã làm tăng tần suất và cường độ của SDS. Trên thực tế, ở một số khu vực, số lượng hạt cát và bụi trong khí quyển đã tăng gấp đôi từ năm 1900 đến năm 2000. Xu hướng này vẫn tiếp tục khi biến đổi khí hậu do con người gây ra tiếp tục trầm trọng hơn.

    Thúc đẩy hợp tác giải quyết vấn đề bão cát và bụi

    Những lo ngại gia tăng đã khiến Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 12/7/2023 là Ngày Quốc tế đầu tiên về chống bão cát và bụi.

    Thông qua các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, Liên Hợp Quốc đang hướng tới thúc đẩy các chiến lược quản lý đất đai và nông nghiệp bền vững, tăng cường an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu.

    Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã ủng hộ các hoạt động nông nghiệp bền vững và các chương trình tái trồng rừng để giảm thiểu mối đe dọa. FAO đã lãnh đạo một liên minh gồm 19 cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức đối tác không thuộc Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hành động và hỗ trợ các quốc gia thường xuyên bị SDS gây ảnh hưởng bằng cách xác định rủi ro và thực hiện các chiến lược phòng ngừa và giảm thiểu.

    Nhân Ngày Quốc tế đầu tiên về chống bão cát và bụi, UNCCD đã công bố nguồn tài liệu về khung giải pháp, khung này cung cấp thông tin và hướng dẫn cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi SDS nghiêm trọng. Khung giải pháp hoạt động bằng cách đánh giá rủi ro, cung cấp hỗ trợ dự báo và phát triển các chiến lược giảm thiểu cho các cộng đồng có nguy cơ.

    Ngoài ra, đại diện của 19 quốc gia thuộc Liên minh SDS vừa tham gia Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đầu tiên về chống bão cát và bụi đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác với nhiều sáng kiến khu vực. Cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong việc giải quyết bản chất vấn đề về bão cát và bụi trên toàn cầu.

    Ông Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành của UNCCD cho biết: “UNCCD đánh giá cao sự tập trung và nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về bão cát và bụi. Hiện tượng này cũng cho thấy sa mạc hóa và hạn hán có thể gây tác động sâu rộng ra ngoài biên giới quốc gia, do vậy cần thúc đẩy hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề này”.

    Nguồn: Báo Tài nguyên và môi trường số tháng 7/2023

    Zalo
    Hotline